Saturday, April 16, 2016

Những việc đàn ông nhất thiết làm để luôn hạnh phúc và thành công !


Quý ông ở tuổi bốn mươi hãy làm những việc này để có được hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.


1. Lập gia đình, dạy dỗ con cái nên người

  Thật ra đặt nền móng cho đời người quan trọng là ở thời còn nhỏ, quan tâm giúp việc học con cái được tốt. Khi bạn 40 – 50 tuổi, phải giúp con vào một trường đại học tốt, rồi có nghề nghiệp công việc tốt.

Nếu như con cái không được giáo dục tốt, thì chỉ có thể nói là bạn sẽ trải qua tuổi 40 trong phiền muộn mà thôi.



2. Chú trọng sức khỏe, nâng cao rèn luyện thân thể

40 tuổi, bất kể như thế nào, thân thể bạn sẽ xuống dốc, xương cốt bắt đầu thoái hóa, làn da bắt đầu nhão, cơ bắp cũng suy yếu. Thế nên rèn luyện thân thể nâng cao sức khỏe là rất quan trọng.



3. Năng về nhà thăm ba mẹ

40 bạn đang ở độ tuổi chín mùi, lúc này cha mẹ bạn đã bước độ tuổi già yếu. Bạn phải chăm sóc cha mẹ nhiều hơn, hiếu kính nhiều hơn với cha mẹ, hưởng thụ niềm vui gia đình nhiều hơn.

Hãy nhớ kỹ, đối với cha mẹ, bạn vĩnh viễn là đứa trẻ. Hãy nhớ kỹ, thái độ của bạn với cha mẹ, cũng sẽ là thái độ mà con bạn sau này đối xử với bạn.

4. Xác định mục tiêu chính xác, vững bước tiến tới

Trân trọng sự nghiệp, không cho phép thất bại. 40 tuổi, phương hướng sự nghiệp của bạn đã định hình. Thời điểm này, bất luận là đi làm nghề nào hay chuyên nghành gì, cũng đừng liều lĩnh. Vì cái tuổi này không thể chịu được thất bại. Một khi thất bại, cơ hội để gây dựng lại sẽ vô cùng nhỏ.

Vì vậy, không nên nhìn thấy thèm muốn chức vị hay sự nghiệp của người khác, không nên thấy thu nhập của người khác hơn mình mà thèm muốn.

5. Vứt bỏ những thứ không tốt

Chúng ta không còn trẻ tuổi nữa. Hãy nhớ kỹ một khi có sự việc gì làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, thì nhất nhất thiết phải vứt bỏ nó, kể cả sự nghiệp, tiền tài lợi ích, nếu không học được buông bỏ, thì sẽ khiến bạn bị mất mát nhiều hơn. Một khi bản thân ở hoàn cảnh “Tránh hiểm nguy khẩn cấp”, nhất định phải cam tâm mà buông bỏ.

6. Bất kể hôn nhân không êm ấm ra sao, cũng phải giữ gìn

Ông chồng bà vợ, dù cho không có khắc cốt ghi tâm yêu nhau như thủa đầu nữa. Nhưng cũng đã quan hệ hòa hợp gắn bó với nhau. Vì vậy tuyệt đối không được để tình cảm lăng nhăng hấp dẫn bên ngoài mà bỏ bê gia đình. Vợ là thứ quý báu nhất, là người hiểu rõ bạn nhất.

7. Có được một thứ mình đam mê

Nếu ở độ tuổi này mà bạn vẫn không có sở thích cho riêng mình thì đúng là bạn sống quá ư nhàm chán rồi. Đam mê là một trong những niềm vui trong cuộc sống, thí dụ như sáng tác, âm nhạc, vận động, an dưỡng, v..v.. 40 tuổi, vô luận bạn sống mệt mỏi ra sao, cũng phải có một cái sở thích gì đó làm bạn cảm thấy hứng thú.

Hơn nữa, tầm quan trọng của đam mê còn hơn nữa, đó là bạn có thể tìm được những người bạn cùng sở thích.


8. Phải có một tâm hồn lãng mạng

Chơi như một đứa trẻ, sẽ khiến cho bản thân cảm nhận được sắc thái thanh xuân. Bạn hãy ngây thơ chất phát như trẻ con, tuy nhiên có lúc, ham chơi quá sẽ khiến quên cả đường về nhà. Nhưng bất luận như thế nào, đừng chơi quá chừng mực. Đặc biệt không nên đùa giỡn với tình cảm

Học cách giữ khoảng cách an toàn, học được cách bảo vệ mình, không thể chơi với lửa có ngày chết cháy.

9. Nhớ kỹ, phải có một phần của cải tích góp

Người già sẽ già đi rất nhanh, con cái mấy chốc cũng đến trường, cần có một khoảng tích góp. Cha mẹ bị bệnh, cũng cần bạn tích góp tiền, để còn lo cho họ. Con cái đi học cần một số tiền tích góp rất lớn. Nếu như bạn không có tiền, con bạn sẽ phải sống khó khăn. Ở trong hoàn cảnh này thì hết cách, phàn nàn vô dụng.

10. Tâm như mặt nước phẳng lặng, không thể kích động

Nhớ kỹ, dù ở độ tuổi nào, thật sự bạn đã nhìn thấy được những chuyện phải trái trong cuộc đời. Vì vậy, nếu như gặp phải một điều gì đó hấp dẫn như thăng quan phát tài, tình cảm lăng nhăng hay kiếm tiền bất chính, v..v.. bạn nên suy nghĩ cẩn thận, bạn có thể nhận những hậu quả cho những việc làm bất lương đó.

Cái gọi là sống thoái mái, chính là nhìn mọi thứ rõ ràng sáng tỏ, chín là không nông nổi, không đam mê những thứ của người khác. So với trước kia, trong bất kì thời điểm nào cũng đều minh mẫn. Tự mình khẳng định giá trị con người của mình.

Đời người có thứ không nên đấu: Không tranh giành danh tiếng với người xấu, không hơn thua lợi ích với tiểu nhân, không làm trái ý  trời.

Đời người ba điều không tranh giành: Không tranh đua với cấp trên, không tranh giành tình cảm với bạn bè, không tranh công với cấp dưới.

Ba điều tu luyện trong đời người; nhìn được thấu, nghĩ được thông; cầm lên được buông xuống được; đi được thẳng, làm được ngay chính.

Nhân sinh có ba điều phúc: Bình an là phúc, khỏe mạnh là phúc, có chịu chút thiệt hại là phúc.

Nhân sinh có ba điều nên làm là: Dĩ hòa vi quý, thiện làm gốc, thật thà là trước.


Nguồn: http://vtc.vn/nhung-viec-dan-ong-nhat-thiet-lam-de-luon-hanh-phuc-va-thanh-cong.321.590079.htm



KHUYẾN MÃI LỚN HOT HOT HOT

Sunday, April 10, 2016

Quản trị chiến lược theo Balanced Scorecard


Sau khi áp dụng phương pháp quản trị chiến lược doanh nghiệp bằng hệ thống “Thẻ điểm cân bằng” (Balanced Scorecard - BSC), rất nhiều công ty đã ra quyết định hiệu quả hơn và đưa doanh nghiệp đạt đến tầm cao mới dù vẫn là với tổ chức đó, với những con người đó.
Ông Howard Rohm (trái), Chủ tịch Balanced Scorecard Hoa Kỳ, và TS. Michael Court (phải) trao đổi với các doanh nhân tại hội thảo quốc tế “Hoạch định và triển khai chiến lược theo Balanced Scorecard”, do Công ty TNHH Balanced Scorecard Việt Nam tổ chức ngày 24-10-2015 tại TPHCM.
Ví dụ, nhờ BSC, Ban Quản lý dự án Baltimore nhận thấy nếu giảm sự chểnh mảng thì có thể tiết kiệm chi phí vận hành lên tới 13,2 triệu đô la Mỹ; chuỗi cửa hàng tiện ích Store 24 đã can đảm hủy bỏ chiến lược trải nghiệm dịch vụ giải trí tốn hàng trăm triệu tiền đầu tư sau khi phát hiện hoạt động này không mang lại hiệu quả như họ vẫn nghĩ. Tương tự, 80% công ty trong top Fortune 500, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận cũng đã áp dụng phương pháp này và gặt hái được những thành công đáng kinh ngạc.
Trên đây là một vài ví dụ về sự thay đổi ở một số tập đoàn lớn trong việc áp dụng BSC, được ông Howard Rohm, Chủ tịch Balanced Scorecard Institute Hoa Kỳ (BSI), chia sẻ với doanh nhân tại hội thảo quốc tế mang tên “Hoạch định và triển khai chiến lược theo Balanced Scorecard”, diễn ra ngày 24-10-2015 tại TPHCM và ngày 27-10-2015 tại Hà Nội, được tổ chức bởi Công ty TNHH Balanced Scorecard Việt Nam (BSV) (một đơn vị thành viên của PACE), đại diện độc quyền của BSI tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sự có mặt chính thức của BSI tại Việt Nam với phương pháp hoạch định và triển khai chiến lược độc quyền được xem là dấu ấn riêng và đặc sắc nhất của đơn vị này mang tên “9 bước đến thành công” (Nine Steps to Success) đã làm dấy lên một hy vọng rằng: BSC không chỉ là một trào lưu áp dụng công nghệ quản trị ưu việt của thế giới, mà sẽ mang lại những giá trị thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Giúp tổ chức chuyển mình
Khái niệm “Thẻ điểm cân bằng” lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi là vào năm 1992, thông qua một bài viết nổi tiếng của hai tiến sĩ Kaplan và Norton trên tạp chí Harvard Business Review. Và từ đó, Balanced Scorecard đã tạo nên một cuộc cách mạng sâu rộng trên toàn thế giới về phương pháp hoạch định và triển khai chiến lược, cũng như về phương pháp đo lường kết quả công việc.
Ông Howard Rohm cho biết việc áp dụng BSC đã giúp các tổ chức thiết lập được hệ thống quản lý hữu hiệu vượt trội thông qua việc: (1) Xác lập và đo lường được những mục tiêu trọng yếu nhất của cả tổ chức, của từng phòng ban/bộ phận và của từng nhân viên; (2) Đồng bộ những hoạt động thường nhật của từng nhân viên với tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược chung của cả tổ chức; (3) Giúp từng nhân viên, từng phòng ban/bộ phận và cả tổ chức sống với những mục tiêu này. Ngoài ra, BSC không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức, mà còn bảo đảm được tính bền vững trong sự phát triển đó, do hệ thống luôn “cân bằng” được: mục tiêu tài chính và mục tiêu phi tài chính; mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn; mục tiêu hữu hình và mục tiêu vô hình; mục tiêu của tổ chức và mục tiêu của xã hội...

Cho đến nay, BSC đã phát triển và tích hợp thành một phương pháp/công nghệ quản trị đa năng: vừa là công cụ để hoạch định chiến lược (strategic planning), vừa là công cụ để triển khai chiến lược (strategy execution), vừa là công cụ để quản trị kết quả công việc (performance management), vừa là công cụ để quản trị sự thay đổi (change management).
Ở Việt Nam, khái niệm BSC cũng đã được biết đến khá nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng tư vấn (tư vấn quản lý và tư vấn chiến lược) thông qua nhiều kênh, đặc biệt là qua hai cuốn sách nổi tiếng về BSC là Thẻ điểm cân bằng và Bản đồ chiến lược do PACE mua bản quyền, biên dịch và phát hành từ năm 2006. Từ đó đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tìm hiểu BSC để áp dụng, nhưng khá ít doanh nghiệp thành công, kể cả việc đã thuê tư vấn quản lý từ bên ngoài hỗ trợ. Vì sao vậy? Bởi lẽ, dù BSC là một phương pháp quản trị hữu hiệu và phổ biến nhưng nếu không am hiểu đủ sâu sắc về BSC thì không dễ áp dụng thành công. Và sau một vài lần không thành công, có thể dẫn đến nản chí và mất lòng tin về nó.
Để BSC thực sự là giải pháp căn cơ và thực chất, chứ không chỉ là một trào lưu, BSV đã đưa toàn bộ “công nghệ tư vấn triển khai BSC” và các chương trình đào tạo của BSI về Việt Nam. Cụ thể là, song song với hoạt động tư vấn triển khai BSC và KPI (Key Performance Indicator - chỉ số hiệu quả công việc) cho các doanh nghiệp, BSV còn giúp đào tạo đội ngũ chuyên gia nội bộ của các doanh nghiệp nhằm triển khai thành công BSC và KPI cho doanh nghiệp của mình.
Nói đến quản trị chiến lược là nói đến BSC, và nói đến BSC là nói đến phương pháp “9 bước” của BSI. Do vậy, các giải pháp tư vấn hay các chương trình đào tạo của BSV đều dựa trên nền tảng là phương pháp độc quyền này từ BSI. Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào sử dụng phương pháp “9 bước” để đào tạo hay tư vấn BSC nhằm mục đích thu lợi mà không được sự đồng ý bằng văn bản của BSI hay BSV đều là bất hợp pháp.
Năng lực cho hội nhập
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, “Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nhưng chúng ta có tự hỏi ta sẽ sống và thành công trong bối cảnh mà ta chưa từng hình dung? Nếu ta vẫn coi mình ở bên ngoài cuộc chơi này thì rủi ro là rất lớn”.
Ông cho rằng, chúng ta đã nói nhiều về cơ hội và thách thức của hội nhập, mà còn ít bàn với nhau câu chuyện làm thế nào để có năng lực hội nhập. Có thể thấy rằng, hội nhập toàn cầu thì dẫn đến cạnh tranh toàn cầu (canh tranh ngay trong nhà của mình); cạnh tranh toàn cầu sẽ cần đến năng lực toàn cầu; và để có năng lực toàn cầu thì cần đến các giải pháp quản trị toàn cầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là trong vô vàn giải pháp đang được hô hào rầm rộ, “anh” chọn cái nào?
Chia sẻ quan điểm của ông Trung, ông Đinh Việt Lân - Trưởng đại diện PACE tại Hà Nội, cho biết: “Tôi cho rằng câu trả lời cho việc năng suất và chất lượng ở nhiều nước cao hơn người Việt là do họ được trang bị giải pháp hỗ trợ đầy đủ và đúng chỗ. Có cái gì đó trục trặc trong quy trình của chúng ta khiến năng suất và hiệu quả của chúng ta kém hơn họ rất nhiều dù người Việt Nam rất cần cù, thông minh. Từ lâu, kiến tạo văn hóa và triển khai chiến lược luôn là hai vấn đề đau đầu nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong quá trình phát triển và liên tục tái tạo tổ chức.
Chính vì thế, PACE chọn ra hai giải pháp quản trị để giúp doanh nghiệp giải quyết “mối đau đầu” này: 7 Habits (7 thói quen) của FranklinCovey để giúp doanh nghiệp kiến tạo văn hóa và Balanced Scorecard (Thẻ điểm cân bằng) của BSI để giúp doanh nghiệp triển khai chiến lược hiệu quả. Đây đều là những công cụ, giải pháp quản trị được xem là đặc sắc và phổ biến bậc nhất của thế giới trong hai lĩnh vực này.
Với doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh Hiệp định TPP vừa chính thức đàm phán thành công và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng cận kề, câu chuyện năng lực hội nhập, tái tạo doanh nghiệp lại càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Vì đi kèm với TPP hay AEC là cả cơ hội lẫn thách thức: cơ hội mở rộng thị trường, khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, tri thức tăng lên đáng kể, nhưng các doanh nghiệp cũng có thể bị “cuốn trôi” nếu như thiếu nội lực, cũng như không đưa ra được những chiến lược đúng đắn, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của mình, hay có chiến lược hay ho nhưng chiến lược vẫn nằm trên giấy”.
Theo ông Lân, 7 Habits (nhằm kiến tạo văn hóa) và Balanced Scorecard (nhằm triển khai chiến lược) là hai trong số rất ít những giải pháp quản trị ưu việt của thế giới mà PACE muốn “nhập khẩu” vào Việt Nam nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp hình thành được năng lực toàn cầu cho công cuộc đua tranh toàn cầu của riêng mình.
Chính hệ thống cánh buồm chứ không phải là hướng gió giúp doanh nghiệp xác định hướng đi. BSC là một phương pháp chuyên biệt giúp mọi nhân viên sử dụng một ngôn ngữ chung, gắn kết mọi hoạt động của họ với chiến lược và tầm nhìn của công ty nhờ đo lường được mọi hành động theo nguyên lý cái gì quản lý được thì cái đó phải đo lường được và ngược lại, từ đó, lựa chọn ra sáng kiến và hành động phù hợp.
Vô số doanh nghiệp đang vận hành công ty theo kinh nghiệm và trực giác trong khi để thành công bền vững thì phải quản trị theo khoa học nhiều hơn, và chiến lược đúng đắn không phải là “lựa chọn làm cái gì” mà là “chọn không làm cái gì”. Trong tổ chức, chúng ta phải biết mọi người kỳ vọng gì và phải quản trị được sự kỳ vọng đó. Các bộ phận, con người riêng lẻ thông qua BSC sẽ được kết nối với nhau theo một cách rõ ràng dễ hiểu, có kỷ luật, và giúp mọi người cùng đi trên một chuyến xe mà mỗi bánh xe đều đưa cỗ máy đến đích. Đó còn là hệ thống giúp chúng ta thay đổi trái tim.
(Tiến sĩ Michael Court - Chuyên gia Tư vấn trưởng của Balanced Scorecard Việt Nam)
Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/138110/Quan-tri-chien-luoc-theo-Balanced-Scorecard-De-khong-chi-la-mot-trao-luu.html



KHUYẾN MÃI LỚN HOT HOT HOT

Wednesday, April 6, 2016

Đối mặt với 10 kiểu tính cách và thói quen độc hại tại nơi làm việc

Trong thế giới tưởng tượng, bạn làm việc ở một nơi nguy nga tựa thiên đường, làm công việc mơ ước là giám đốc tài chính, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư, hay thành viên một quỹ góp vốn tư nhân. Thánh Peter (đại diện cho bộ phận nhân lực) cho phép bạn đi qua cánh cổng dễ dàng trong quá trình phỏng vấn. Bạn liên tục được nếm nho tươi và quả mọng khi ngồi trên chiếc ghế xích đu vàng ngẫm nghĩ về việc có nên thực thi các dự án triệu đô hay không.
Trên thực tế, nơi làm việc của bạn là nơi mà mọi người có thể tỏ ra khó chịu, khác thường và hết sức hung dữ - và bạn vẫn phải đối phó với họ một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp. Nếu điều này nghe giống như hoàn cảnh bạn đang phải đối mặt - và bỏ việc không phải là lựa chọn của bạn - chúng tôi sẽ giúp bạn vượt qua 10 rắc rối phổ biến với đồng nghiệp để mang ánh sáng nơi thiên đường về với thực tại.


1. SỰ KIÊU NGẠO
Kiêu ngạo là tác dụng phụ của sự tự hào và cái tôi ở mức độ bất hợp lý. Trong các lĩnh vực kỹ thuật như tài chính, kế toán, điều bắt buộc đối với các chuyên gia là họ phải liên tục học hỏi những điều mới và nâng cao kiến ​​thức. Các chuyên gia tài chính cũng cần hòa thuận với rất nhiều người trong công ty vì họ phải thu thập dữ liệu và báo cáo từ đa dạng các nhóm trong công ty.
Dấu hiệu cảnh báo của sự kiêu căng bao gồm:
·         Khuynh hướng lên mặt dạy dỗ, làm lãng phí thời gian của mọi người
·         Tìm kiếm các tiêu chí ngoài hiệu quả trong công việc làm tiêu chuẩn đánh giá đồng nghiệp (chẳng hạn như thời gian làm việc, quá trình học tập và uy tín của chức danh nghề nghiệp)
·         Có thói quen hạ thấp, hạ nhục người khác để nâng mình lên
·         Thẳng thừng coi thường cảm xúc của người khác, thể hiện sự thiếu trưởng thành và nghèo nàn về trí tuệ cảm xúc
·         Ngôn ngữ thô tục, thiển cận và thiếu tế nhị
Nếu bạn là người kiêu ngạo, điều này áp đặt một chướng ngại tinh thần và tâm lý vào tâm trí của bạn, ngăn cản bạn trong việc tiếp thu thêm nhiều dữ liệu mới. Trên tất cả, bạn đánh giá quá cao bản thân, vậy tại sao bạn cần phải cải thiện?
Làm thế nào để bạn biết rằng bạn có cái tôi quá lớn? Mức độ tự tin của bạn phải tỷ lệ thuận với sự chuẩn bị mà bạn đã bỏ ra.
Đối phó với những người kiêu ngạo thường rất cần sự kiên nhẫn và kiểm soát bản thân tốt. Hãy học cách xác định những người có đặc điểm này và tránh xa họ hết mức có thể. Điều này sẽ bảo vệ danh tiếng của bạn, trong khi đối mặt với những người ngạo mạn chỉ khiến bạn trở nên tồi tệ hơn.
2. VĂN HÓA HƠN THUA VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Khi mà trong văn hóa doanh nghiệp tồn tại sự cố gắng hơn thua, các nhân viên công ty thường sẽ không ngừng hạ bệ nhau. Chỉ cần bạn để lộ một vài điều về cuộc sống riêng tư của mình, nó có thể được sử dụng để chống lại bạn bằng những bình luận khiếm nhã. Nếu tham gia vào những cuộc nói xấu, bạn sẽ bị coi thường như những cô nàng đầu óc rỗng tuếch.
Trong bộ phận tài chính, bạn sẽ gặp rất nhiều người có trình độ, và chỉ riêng điều đó đã có thể tạo ra một bầu không khí cạnh tranh khắc nghiệt, đặc biệt nếu sự tin tưởng và làm việc nhóm chỉ ở mức thấp. Làm thế nào để bạn nhận biết được văn hóa không lành mạnh hiện hữu trong nhóm bạn? Thái độ khinh miệt, sự giả dối giữa các đồng nghiệp, thường xuyên đâm sau lưng nhau (chẳng hạn như chiếm thành quả của người khác) và hành động than vãn trong cuộc họp là dấu hiệu của một môi trường làm việc không ổn chút nào.
Mọi người thường thổi phồng thành tích, đánh bóng hồ sơ cá nhân của mình và giả bộ hoạt bát với nỗ lực miêu tả bản thân như là những "ngôi sao đang lên", nỗ lực không ngừng để vươn tới chức giám đốc tài chính. Với trường hợp này, bạn có hai lựa chọn: hoặc là hãy ra khỏi văn phòng đó, hoặc là cư xử một cách cao thượng - chỉ tập trung vào công việc. Bởi vì, như người ta thường nói, "Phấn đấu để trở nên tuyệt vời, nhưng phải nhớ luôn ứng xử tốt." Sau cùng thì, kết quả kinh doanh và hiệu suất mới là nguồn đáng tin thực sự.

3. SỰ KHÓ CHỊU VÀ TỨC GIẬN KHÔNG CẦN THIẾT
Trong ngành tài chính luôn có nhu cầu trao đổi liên tục những thông tin tài chính và kế toán một cách chính xác, phù hợp, đúng thời điểm. Những cơn tức giận bất thình lình làm giảm thậm chí ngăn chặn sự lưu chuyển thông tin này. Ngoài ra, sự khó chịu còn là một rào cản đối với những người đang thực hiện công việc. Khi mọi người tức giận và nhìn nhau bằng ánh mắt khó chịu, các đồng nghiệp sẽ ngần ngại đặt câu hỏi quan trọng hoặc đưa ra yêu cầu làm rõ. Trong trường hợp này, chất lượng của báo cáo tài chính sẽ bị ảnh hưởng do dữ liệu không đầy đủ hoặc không chính xác.
Nếu ai đó làm điều gì xấu với bạn (ví dụ như hạ bệ bạn trong một cuộc họp, hay lan truyền tin đồn với nỗ lực phá vỡ sự nghiệp của bạn), hãy nói chuyện với họ trước tiên. Đừng trút giận lên những người đang cần thông tin từ bạn. 
Cuối cùng, trong một số môi trường tài chính, có một quan niệm ảo tưởng sai lầm rằng nếu bạn coi mình "cao thủ" thì những người khác sẽ coi bạn như một nhân vật quan trọng hoặc có năng lực cao. Tuy nhiên, nếu họ không thấy được kết quả gây ấn tượng, đáng tin cậy và lâu dài thì bạn sẽ bị đóng một dấu đỏ in đậm trên trán với dòng chữ "tên ngốc".
4. SỰ GIẢ TẠO
Sự chân thực là một nền tảng quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo hiệu quả. Mọi người muốn bạn sẽ nói những gì bạn nghĩ và thực hiện những gì bạn nói. Sẽ có rất nhiều người tài năng làm việc trong một tổ chức tài chính, nhưng một vài người trong số họ không hoàn toàn thực lòng.
Một bộ phận với mức độ tin tưởng thấp giống như một tòa án hoàng gia đầy những kẻ nịnh bợ âm mưu, chứ không phải là một môi trường chuyên nghiệp với các nhân viên tài chính kế toán mẫn cán. Trong thế giới thực, một vài người sẽ luôn có những kế hoạch bí mật và động cơ tiềm ẩn. Dù cho tình bạn tốt sẽ giúp môi trường làm việc nơi công sở trở nên thú vị hơn, nhưng những chuyên gia khôn ngoan sẽ phải sáng suốt trong việc lựa chọn bạn bè của mình. Như George Washington đã từng nói "Hãy nhã nhặn với tất cả, nhưng thân mật với số ít, và để cho số ít đó trải qua thử thách trước khi bạn trao lòng tin cho họ."
5. SỰ CHẦN CHỪ
Chần chừ là một triệu chứng của sự quá tự tin, thờ ơ hoặc thiếu tập trung. Những người thông minh với bản thành tích tốt ở trường và bề dày kinh nghiệm làm việc tin rằng họ có thể "luôn luôn phát huy" vào đúng thời điểm và giảm tốc độ công việc tùy lúc. Tuy nhiên, sự tự mãn lại làm giảm hiệu suất của cá nhân và cả nhóm của bạn.
Nếu bạn làm việc trong ngành tài chính, kế toán, mọi người sẽ phụ thuộc vào bạn để được cung cấp thông tin chính xác, hiệu quả nhằm giúp họ có thể xử lý công việc của mình. Một nút thắt cổ chai duy nhất cũng có nguy cơ ngưng dòng chảy công việc của cả một tổ chức. Những người trở nên thờ ơ với công việc, hay những người đang mất tập trung (ví dụ như khi việc riêng tư gây trở ngại đến khả năng thực hiện công việc) cũng hay rơi vào trạng thái do dự. Một số người trở nên chán nản với công việc, và sự trì hoãn trở thành con đường giúp họ tạm thoát việc phải cố gắng hoàn thành dự án trong khoảng thời gian hạn chế. Chất lượng công việc chính là nạn nhân đầu tiên, và công việc của những người chần chừ này nhanh chóng trở thành nạn nhân thứ hai.
6. THÓI QUEN CHI TIÊU KHÁC NGƯỜI
Hầu hết thời gian của những người làm trong ngành tài chính và kế toán là làm việc với các con số - những khoản tiền lớn đại diện cho tiền mặt, chứng khoán, hoặc các tài sản có tính thanh khoản trên bảng cân đối. Việc xử lý tiền cả ngày làm cho một số người trong ngành nghĩ rằng họ có rất nhiều tiền. Đa phần thời gian thức dậy người trong ngành này sử dụng cho quá trình tư duy bằng não trái (logic, số học, v.v) và những suy nghĩ lí trí, tuy nhiên họ ngừng suy nghĩ logic và thận trọng khi rời khỏi văn phòng. Vào ban đêm, họ trở thành những “ma sói” chi tiêu hoang phí, hò hét trên những chiếc xe hơi thể thao đắt tiền mà chắc chẳn vượt trên mức lương của họ, hay tệ hơn, trở thành những kẻ tự phụ với bản thân.
Bầu không khí cạnh tranh trong ngành tài chính thậm chí có thể vượt ra khỏi phạm vi công việc, các đồng nghiệp cạnh tranh nhau để có những chiếc xe thể thao mới nhất, những đồng hồ đắt tiền, những chuyến đi xa hoa và những căn hộ đẹp. Những người làm tài chính cũng muốn duy trì một "hình tượng thành công" nhất định dù cho mức lương của họ không thể đáp ứng đủ, điều này đôi khi còn được gọi là "uống rượu sâm panh với ngân sách dành cho bia".
Việc chi tiêu lãng phí của các chuyên gia tài chính chỉ khiến cho nơi làm việc nảy sinh nhiều cạnh tranh không cần thiết; những người có thu nhập cao giờ đã trở nên thiếu thốn, phải đấu tranh cho từng phần nhỏ trong quỹ tiền thưởng. Nếu bạn có thể kiềm chế cảm xúc như khi đi tư vấn cho khách hàng vào việc này, thái độ "sống là phải tận hưởngt” sẽ không còn nơi văn phòng, và các con số trong tài khoản ngân hàng của bạn sẽ chỉ tăng mà thôi.

7. SỰ PHÁ HOẠI NGẦM
Những kẻ phá hoại ngầm trong nhóm khiến sự cạnh tranh đạt đến mức độ bất thường. Có rất nhiều động cơ khác nhau nhằm phá hoại những nỗ lực của một nhóm hoặc bộ phận. Ví dụ, những kẻ phá hoại muốn thấy người khác thất bại để làm tăng vị thế của mình (và mức được đền bù) trong nhóm. Những người phá hoại ngầm làm vậy có thể cũng chỉ là để bảo vệ công việc của mình. Họ sẽ gây tổn hại đến các tài liệu và cơ sở dữ liệu để tạo thêm việc cho bản thân, giúp họ không bị sa thải. Hay họ có thể giữ một thái độ khinh thường bí mật với ông chủ, đồng nghiệp, hoặc công ty của họ, vì họ đã bị bỏ qua cơ hội thăng tiến, cơ hội nhận tiền thưởng hoặc chuyển sang một vị trí hấp dẫn hơn.
Dù với bất cứ lý do nào, những kẻ phá hoại ngầm thường là những cá nhân rất ích kỷ. Bạn không thể làm gì nhiều để bảo vệ bản thân khỏi những người này, ngoại trừ việc đặt công việc lên hàng đầu và cẩn thận với những người như thế. Các nhà quản lý giỏi thường nhận ra đặc tính ích kỉ này, và những kẻ phá hoại ngầm thường bị bỏ qua cơ hội thăng tiến bởi vì những đồng nghiệp khác đang dành sự tập trung vào việc làm thế nào để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho công ty. Cuối cùng, những kẻ phá hoại chỉ làm tổn thương bản thân họ.
8. SỰ GHEN TỴ
Nền tảng của một sự nghiệp trọn vẹn và thỏa mãn là cơ hội được phát huy hết khả năng của bạn trong môi trường làm việc mà bạn yêu thích. Điều này thường thấy trong ngành mà bạn tâm huyết. Với ngành tài chính, kế toán, xu hướng thèm muốn vị trí của người khác xuất hiện đơn giản chỉ vì danh hiệu, tiền lương, hoặc trách nhiệm bổ sung. Thông thường, những người thèm khát vị trí của người khác chỉ có sự hiểu biết tối thiểu về trách nhiệm hoặc những kỹ năng cần thiết của vị trí đó. Họ chỉ nhìn vào lợi ích mà vị trí ấy mang lại, chẳng hạn như mức lương cao hơn.
Tuy nhiên, những người đã tìm được sự thỏa mãn trong công việc thường làm chủ sự nghiệp của họ, và họ là những đồng đội của bạn. Họ biết rằng không có riêng người nào có thể điều hành cả một phòng ban hay tổ chức. Những người thèm muốn công việc của người khác thường không vui vẻ, hài lòng trong công việc. Nếu bạn phải làm việc với một người hay ghen tỵ thì đừng băn khoăn. Có rất nhiều cách để khuyến khích các cá nhân này bằng cách dành tặng những lời khen về công việc hiện tại, trách nhiệm và vị trí của họ. Nếu bạn chính là người ghen tỵ thì hãy dành ra một khoảng thời gian ngẫm nghĩ về thực tế, để thấy rằng bạn đang gánh ít trách nhiệm hơn và vì thế có thể tự do tận hưởng ngày cuối tuần mà không phải mang sự căng thẳng của công việc về nhà.
9. MỨC ĐỘ HÒA NGHI KHÔNG LÀNH MẠNH 
Những chuyên gia tài chính và kế toán phải thể hiện "thái độ hoài nghi nghề nghiệp” ở mức độ vừa phải trong nghề của họ. Các con số mà họ giải quyết mỗi ngày có thể không chính xác, không đầy đủ hoặc không thích hợp. Xu hướng đặt câu hỏi cho mỗi dữ liệu có thể là một lợi ích với công việc của bạn, nhưng cũng có thể hình thành thói quen nghi ngờ mọi thứ một cách không cần thiết.
Sự hoài nghi ở mức độ không lành mạnh có thể dẫn đến việc những người khác cảm thấy chán nản trong quá trình làm việc cùng bạn, với tâm lý sợ rằng những cá nhân hay nghi ngờ sẽ nói điều tiêu cực. Những người khác sẽ dần lập một rào cản về tinh thần và tâm lý với những người hay chỉ trích, làm cản trở việc giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc.

10. NHỮNG THÓI QUEN GÂY HẠI CHO SỨC KHỎE 
Công việc của các chuyên gia tài chính bận rộn là quản lý thành công cả những công việc ngắn hạn và dài hạn. Với một lịch trình bận rộn, họ thường rất dễ có những thói quen không có lợi cho sức khỏe như không tập thể dục, thiếu ngủ và chế độ dinh dưỡng tồi. Những ưu tiên cấp bách khiến nhiều chuyên gia phải "thế chấp" sức khỏe tương lai của mình, và trở nên tự mãn về vấn đề này. Và một khi một người bắt đầu theo lối sống trượt dốc, những đồng nghiệp khác cũng có thể trượt theo.
Bất kỳ ai áp dụng lối sống không lành mạnh (cả trong công việc và trong thời gian rảnh rỗi) đều sẽ sớm thấy được tác hại của lựa chọn này. Một vài tác động đáng lưu ý là khiến sức khỏe suy yếu, thái độ trở nên tồi tệ và mất tập trung. Duy trì lịch trình tập thể dục tốt, chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng cho sự thành công lâu dài và một cuộc sống chất lượng.
LỜI KẾT
Tin tốt đó là dù cho có nhiều đồng nghiệp ứng xử khác thường tại nơi làm việc hay, tệ hơn là bạn đã tìm được một vài người tồi tệ ở đó thì tất cả chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn. Vì vậy, bạn có thể thoát khỏi nơi làm việc đó, hoặc ở lại và trở thành lãnh đạo bằng cách nêu gương cho người khác. Lựa chọn thứ hai là lựa chọn tốt nhưng lại khó hơn. Từng bước nhỏ sẽ dẫn đến bước đi lớn tới môi trường làm việc lành mạnh hiệu quả. 
NGUỒN : THEO SAGA.VN



KHUYẾN MÃI LỚN HOT HOT HOT