Monday, February 13, 2017

Hành xử thế nào với đàm tiếu cá nhân và thị phi ?

Sẽ có những lúc trong quá trình giao tiếp trong xã hội, chúng ta rất dễ bị người khác hiểu lầm, sự hiểu lầm có thể thông qua cử chỉ, lời nói, thái độ và hành vi của chính bản thân của mỗi người. Những lúc như vậy, chúng ta sẽ chọn thái độ như thế nào cho phù hợp? chọn giải pháp biện minh hay mặc kệ sự đàm tiếu của một người hoặc nhóm người liên quan…?

Trên thế gian này, không ai mà không phải chứng kiến các cảnh phiền não khổ đau, những bất trắc, bất như ý và bất toại nguyện cũng nhiều hơn những việc vui vẻ vừa ý và toại nguyện của chúng ta. Chính vì vậy, con người cần phải có trách nhiệm với những gì mà bản thân chúng ta tạo ra, nhất là khi gây ảnh hưởng các tiêu cực, thị phi đến người khác. Trong kinh Tăng Chi, thuộc kinh tạng Pali, Đức Phật dạy rằng, không nên đem lửa ngoài đường về đốt cháy người thân và vật dụng trong nhà, cũng như không nên đem lửa trong nhà đốt cháy người thân và vật dụng của người khác (Nguồn: thuvienhoasen.org). Khái niệm “Lửa”, chính là nỗi buồn, cơn thịnh nộ, lời nói thị phi, những chuyện không may mà chúng ta có thể “Mắt thấy, tai nghe”.

Thật tế, dù là bản thân chúng ta bị hiểu lầm hay hiểu lầm người khác đều mang đến cảm giác bất an và dằn vặt, việc hiểu lầm không đáng có sẽ tạo ra những tình huống không mong muốn ngoài tầm kiểm soát và từ đó liệu rằng các mối quan hệ có còn được như xưa hay không, hay là tâm trạng hoài nghi, nghi ngờ và lo sợ lẫn nhau? Chúng ta có thể tránh được hay không việc nhận xét của người khác đối với bản thân mình? Chắc chắn là không, vì điều này tùy thuộc vào nhận định và cách nhìn nhận của người đối diện với bản thân chúng ta, cũng có thể xem như là khái niệm cá nhân của họ.

Chúng ta thử đọc qua câu chuyện về sự hiểu lầm này, cùng nhìn nhận và rút ra bài học liên quan về sự hiểu lầm, câu chuyện có nội dung như sau: (Nguồn: Sưu tầm)

Một anh chàng người Pháp bước vào nhà hàng, ngồi vào bàn và gọi món ăn. Tất nhiên điều này là vô cùng bình thường, sẽ không có gì để nói, nhưng câu chuyện lại xảy ra theo tình huống vô cùng bất ngờ, khi người hầu bàn bưng món ăn ra cho một ông người Mỹ ngồi bàn bên cạnh, anh chàng người Pháp nhìn vào đĩa thức ăn với đôi mắt tròn xoe rồi chỉ tay vào đó và nói “Ô, pho mi”.

Ông người Mỹ nghe được giận lắm, liền lớn tiếng nói lại “Nô, nô, pho mi”. Giữa hai người cứ đáp qua đáp lại “pho mi”. Ông người Mỹ giận quá mới thoi cho anh ta một cái vì tội giành món ăn. Anh chàng đó sợ hãi quá chạy mất. Lúc ấy, người hầu bàn đã hiểu, anh ta giải thích cho ông người Mỹ rằng:

“Người Pháp kia thấy có con kiến bò trên mép đĩa nên nói “Oh, fourmi” nghĩa là “con kiến kìa”. Thế nhưng ông người Mỹ lại nghe rằng “For me” nghĩa là “của tôi”.

Ngày hôm sau, anh chàng người Pháp lại bước vào quán, lúc này ông người Mỹ cũng đang ở đó. Mừng quá, ông ta quyết định phải xin lỗi nên nói thật to “Come here, you come here”. Anh chàng người Pháp vừa nghe như thế thì nói “Non, come hier” và bỏ chạy mất. Ông người Mỹ rất ngạc nhiên và nhờ người hầu bàn giải thích. Anh ta mới bắt đầu chậm rãi nói “Ông la lên ‘come here’ có nghĩa là lại đây, thế nhưng người kia lại nghe thành ‘come hier’, theo tiếng Pháp như là hôm ngày qua, chính vì vậy anh ta sợ quá nên chạy mất.


Như vậy, qua câu chuyện đơn giản trên cũng thấy được sự hiểu lầm về ngôn từ, đã dẫn đến tình huống không đáng có. Vậy giả sử, nếu bạn đã và đang từng bị hiểu lầm, cũng như dính dáng đến thị phi thì sao? Giải pháp đặt ra, hãy luôn nhớ chọn cách hành xử văn minh đó là sự im lặng, hãy nhớ “sự im lặng” ở đây không phải là hèn nhát và thỏa hiệp với sự bất công về một cái gì đó, chẳng hạn cái xấu cần phải lên án, hay ảnh hưởng đến vận mệnh bản thân, gia đình, hay quốc gia…, sự im lặng ở đây chính là chúng ta thờ ơ và miễn nhiễm với tin đồn, cũng như những thị phi đàm tiếu cá nhân, từ đó chúng ta sẽ tiết chế được cảm xúc, chọn giải pháp hành xử đúng mực, đúng lúc, đúng chổ, đúng đối tượng và tùy đối tượng mà chúng ta có thái độ phù hợp và hợp lý, hãy nhớ khi thanh minh và bày tỏ thái độ không đúng lúc và đúng thời điểm sẽ luôn đem đến phản ứng có tác dụng ngược với chính bản thân chúng ta, hãy nên nhớ tục ngữ Việt Nam có câu “Im lặng là vàng” hay “Một điều nhịn, chín điều lành” đây là đạo lý và cũng là kim chỉ nam, đồng thời là kỹ năng sống cho chính mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện nay.

Hải Triều.









Thursday, February 2, 2017

Câu chuyện tình cờ đầu năm – một mảnh ghép cuộc đời

Tôi biết đến em, cũng rất tình cờ trong một dịp chung vui cùng những người bạn, em được giới thiệu tên “Hùng” và được biết đến như là một người thanh niên trẻ nhất trong nhóm ngày hôm đó. Ở em, có cái gì đó chai sạn của cuộc đời, với độ tuổi tôi nghĩ chắc chưa ngoài ba mươi nhưng nét phong sương đã hằn trên đôi mắt và gương mặt đã hằn lên nét phong trần của thời gian.

Với tôi, cuộc vui khi tham gia thì tôi đều sống vui vẻ hết mình, những sự trãi nghiệm của cuộc sống đã cho tôi rất nhiều những suy nghĩ, cũng như tư duy khi đối diện với thực tại, bên cạnh sự hào hứng và tạo không khí cho cuộc vui, tôi luôn kín đáo quan sát và muốn tìm hiểu em là tuýp người như thế nào? Và rồi khi cuộc vui đến cao trào, tôi cũng tiếp cận được em và cùng giao lưu như những người bạn trang lứa, mặc dù tuổi em nhỏ hơn tôi nhiều, và cuộc nói chuyện giữa tôi và em cũng ngày càng được tự nhiên và cởi mở hơn…


Tôi hỏi Hùng: “Em bao nhiêu tuổi rồi, hiện em đang làm công việc gì? Em có gia đình chưa?”.

Hùng trả lời: “Em được 30 rồi anh, hiện em đang làm công nhân, em chưa có gia đình anh ah”.

Tôi hơi bất ngờ, và tiếp tục hỏi “Em hiện sống với ai, và bố mẹ làm nghề gì?”.

Khi nghe câu hỏi này, ánh mắt của Hùng nhìn xa xăm và rồi lại nhìn xuống đất, em im lặng một lát và trả lời tôi “Dạ, em hiện thuê nhà sống một mình, từ nhỏ em là đứa trẻ mồ côi sống nhờ tình thương của mọi người, nên em không biết bố mẹ mình là ai cả, anh ah!”

Nghe đến đây, Tôi lại cảm thấy cay cay mắt và thầm nghĩ “…Umh, em là đứa trẻ mồ côi, cha mẹ cho em hình hài, bản thân em tự phải cố gắng lớn lên bằng tình thương của mọi người…, em được ngày hôm nay và không hư hỏng cũng là một kỳ tích rồi, chắc ơn trên cũng phù hộ em nhiều”.

Tôi lại hỏi tiếp “Em làm như vậy lương có đủ sống không? Rồi tính khi nào lấy vợ?”, Hùng trầm ngâm và trả lời một cách chất phác “Dạ, em làm lương cũng đủ sống, và em cũng dành dụm có dư chút đỉnh, khi nào được nhiều nhiều và cô nào thương cho hoàn cảnh em, ưng em thì em sẽ lấy…”

“Vậy sau này, em có ước mơ gì cho tương lai không?” Tôi hỏi, em nói “Dạ, ngoài công việc ổn định và có gia đình, em ước mơ khi có điều kiện em sẽ giúp lại những hoàn cảnh kém may mắn hơn em, cũng như báo đáp lại sự giúp đỡ của những người đã cưu mang em…”


Tôi ngẫm nghĩ một hồi và nói với em “Cuộc sống sẽ không bao giờ như ý chúng ta mong đợi em ah, em đã có được hình hài lành lặn của ngày hôm nay đã là một kỳ tích và đã hơn rất nhiều người, chúng ta không chọn được nơi mình sinh ra, chúng ta phải sống và cố gắng với trách nhiệm cho con đường tương lai của mình, chúc em bình an và sẽ đạt được những ý nguyện như mong muốn. Hãy nhớ luôn cố gắng dù bất cứ trong hoàn cảnh nào em nhé!”

Đôi khi trên bước đường cuộc sống, ta sẽ thấy được rất nhiều những mảnh ghép của cuộc đời với nhiều hoàn cảnh và xuất thân khác nhau, ở họ luôn có được niềm tin và động lực, cũng như khát vọng sống dù hoàn cảnh không được may mắn, và tôi lại chợt nhớ đến lời của bài hát Khát vọng của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, một bài hát mà tôi rất tâm đắc về ý nghĩa của ca từ và thường được tôi thể hiện tại những buổi giao lưu cùng với các bằng hữu, cũng là dịp tôi muốn lấy lại hưng phấn và động lực qua những lời ca tiếng hát từ nội dung thanh cao của bài hát, khi cảm thấy mệt mỏi của cuộc sống thường nhật:

“Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mệnh mông

Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư

Và sao không là bão, là giống, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư…”


Đúng vậy, hãy sống bằng tất cả những gì có thể để chúng ta có thể yêu cuộc sống này và hãy hóa thân bằng những gì đẹp đẽ nhất mà tạo hóa đã ban cho “Là mây, là gió, là mặt trời, là đàn chim…” để đạt được đến một giấc mơ, một khát vọng về một tương lai tươi sáng và hãy sống cho thật mạnh mẽ như “Là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông…”, có như vậy khát vọng và ước mơ của chúng ta sẽ luôn luôn cháy bỏng và trở thành hiện thực.

Hải Triều.