Monday, February 13, 2017

Hành xử thế nào với đàm tiếu cá nhân và thị phi ?

Sẽ có những lúc trong quá trình giao tiếp trong xã hội, chúng ta rất dễ bị người khác hiểu lầm, sự hiểu lầm có thể thông qua cử chỉ, lời nói, thái độ và hành vi của chính bản thân của mỗi người. Những lúc như vậy, chúng ta sẽ chọn thái độ như thế nào cho phù hợp? chọn giải pháp biện minh hay mặc kệ sự đàm tiếu của một người hoặc nhóm người liên quan…?

Trên thế gian này, không ai mà không phải chứng kiến các cảnh phiền não khổ đau, những bất trắc, bất như ý và bất toại nguyện cũng nhiều hơn những việc vui vẻ vừa ý và toại nguyện của chúng ta. Chính vì vậy, con người cần phải có trách nhiệm với những gì mà bản thân chúng ta tạo ra, nhất là khi gây ảnh hưởng các tiêu cực, thị phi đến người khác. Trong kinh Tăng Chi, thuộc kinh tạng Pali, Đức Phật dạy rằng, không nên đem lửa ngoài đường về đốt cháy người thân và vật dụng trong nhà, cũng như không nên đem lửa trong nhà đốt cháy người thân và vật dụng của người khác (Nguồn: thuvienhoasen.org). Khái niệm “Lửa”, chính là nỗi buồn, cơn thịnh nộ, lời nói thị phi, những chuyện không may mà chúng ta có thể “Mắt thấy, tai nghe”.

Thật tế, dù là bản thân chúng ta bị hiểu lầm hay hiểu lầm người khác đều mang đến cảm giác bất an và dằn vặt, việc hiểu lầm không đáng có sẽ tạo ra những tình huống không mong muốn ngoài tầm kiểm soát và từ đó liệu rằng các mối quan hệ có còn được như xưa hay không, hay là tâm trạng hoài nghi, nghi ngờ và lo sợ lẫn nhau? Chúng ta có thể tránh được hay không việc nhận xét của người khác đối với bản thân mình? Chắc chắn là không, vì điều này tùy thuộc vào nhận định và cách nhìn nhận của người đối diện với bản thân chúng ta, cũng có thể xem như là khái niệm cá nhân của họ.

Chúng ta thử đọc qua câu chuyện về sự hiểu lầm này, cùng nhìn nhận và rút ra bài học liên quan về sự hiểu lầm, câu chuyện có nội dung như sau: (Nguồn: Sưu tầm)

Một anh chàng người Pháp bước vào nhà hàng, ngồi vào bàn và gọi món ăn. Tất nhiên điều này là vô cùng bình thường, sẽ không có gì để nói, nhưng câu chuyện lại xảy ra theo tình huống vô cùng bất ngờ, khi người hầu bàn bưng món ăn ra cho một ông người Mỹ ngồi bàn bên cạnh, anh chàng người Pháp nhìn vào đĩa thức ăn với đôi mắt tròn xoe rồi chỉ tay vào đó và nói “Ô, pho mi”.

Ông người Mỹ nghe được giận lắm, liền lớn tiếng nói lại “Nô, nô, pho mi”. Giữa hai người cứ đáp qua đáp lại “pho mi”. Ông người Mỹ giận quá mới thoi cho anh ta một cái vì tội giành món ăn. Anh chàng đó sợ hãi quá chạy mất. Lúc ấy, người hầu bàn đã hiểu, anh ta giải thích cho ông người Mỹ rằng:

“Người Pháp kia thấy có con kiến bò trên mép đĩa nên nói “Oh, fourmi” nghĩa là “con kiến kìa”. Thế nhưng ông người Mỹ lại nghe rằng “For me” nghĩa là “của tôi”.

Ngày hôm sau, anh chàng người Pháp lại bước vào quán, lúc này ông người Mỹ cũng đang ở đó. Mừng quá, ông ta quyết định phải xin lỗi nên nói thật to “Come here, you come here”. Anh chàng người Pháp vừa nghe như thế thì nói “Non, come hier” và bỏ chạy mất. Ông người Mỹ rất ngạc nhiên và nhờ người hầu bàn giải thích. Anh ta mới bắt đầu chậm rãi nói “Ông la lên ‘come here’ có nghĩa là lại đây, thế nhưng người kia lại nghe thành ‘come hier’, theo tiếng Pháp như là hôm ngày qua, chính vì vậy anh ta sợ quá nên chạy mất.


Như vậy, qua câu chuyện đơn giản trên cũng thấy được sự hiểu lầm về ngôn từ, đã dẫn đến tình huống không đáng có. Vậy giả sử, nếu bạn đã và đang từng bị hiểu lầm, cũng như dính dáng đến thị phi thì sao? Giải pháp đặt ra, hãy luôn nhớ chọn cách hành xử văn minh đó là sự im lặng, hãy nhớ “sự im lặng” ở đây không phải là hèn nhát và thỏa hiệp với sự bất công về một cái gì đó, chẳng hạn cái xấu cần phải lên án, hay ảnh hưởng đến vận mệnh bản thân, gia đình, hay quốc gia…, sự im lặng ở đây chính là chúng ta thờ ơ và miễn nhiễm với tin đồn, cũng như những thị phi đàm tiếu cá nhân, từ đó chúng ta sẽ tiết chế được cảm xúc, chọn giải pháp hành xử đúng mực, đúng lúc, đúng chổ, đúng đối tượng và tùy đối tượng mà chúng ta có thái độ phù hợp và hợp lý, hãy nhớ khi thanh minh và bày tỏ thái độ không đúng lúc và đúng thời điểm sẽ luôn đem đến phản ứng có tác dụng ngược với chính bản thân chúng ta, hãy nên nhớ tục ngữ Việt Nam có câu “Im lặng là vàng” hay “Một điều nhịn, chín điều lành” đây là đạo lý và cũng là kim chỉ nam, đồng thời là kỹ năng sống cho chính mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện nay.

Hải Triều.









No comments:

Post a Comment