Tuesday, December 8, 2015

"Chữ hiếu"


"Chữ hiếu"

Triết học Nho giáo, chữ hiếu đi đôi với hiếu nghĩa và lễ giáo. Theo sách Trung Dung, Khổng tử nói "Kính hỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã".

Khổng tử rất đề cao chữ hiếu, vì đó là căn bản ứng xử của con người, từ đó mà việc thảo kính của con cái đối với cha mẹ đã được xem như là một đạo hiếu. Nói tổng quát, theo Khổng giáo lòng hiếu thảo có nghĩa là đối xử với cha mẹ của mình, chăm sóc cha mẹ của mình, cùng với các hành vi cư xử đối với bậc cha mẹ để danh tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên, thực hiện tròn trách nhiệm và đạo hiếu của người làm con cả khi cha mẹ còn sống, cũng như đã mất.

Chữ hiếu đối với văn hóa Việt Nam, cũng được thể hiện qua câu ca dao mà từ thuở bé bất cứ ai cũng từng được nghe:
 "Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con."

Có thể nói chữ hiếu đó chính là bài học đầu tiên về Đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội và là nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Trong mỗi gia đình chữ hiếu xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm và trách nhiệm, cũng như cách dạy dỗ và giáo dục của cha mẹ đối với con cái, giúp con cái cảm nhận và trân trọng những gì thuộc về giá trị và nét đẹp truyền thống của gia đình, cũng như các mối quan hệ huyết thống giữa các thành viên trong gia đình.
 
Ngày nay, hiếu nghĩa chính là nét đẹp và giá trị tinh thần, xuất phát từ tâm của mỗi cá nhân được hun đúc và đúc kết bằng những truyền thống tốt đẹp quý báu từ những giá trị truyền thống từ gia đình, mỗi gia đình chính là một tế bào của xã hội, và là phần không thể thiếu của xã hội hiện đại. 

Hải Triều.




KHUYẾN MÃI LỚN HOT HOT HOT

No comments:

Post a Comment