Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập được thể
hiện bằng tiền và được ấn định bằng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và
người lao động theo hợp đồng lao động cho một công việc đã thực hiện hay sẽ phải
thực hiện, hoặc những dịch vụ đã làm hoặc sẽ phải làm.
Về phương diện xã hội, tiền lương cũng thực hiện
chức năng kinh tế cơ bản của nó là đảm bảo tái sản xuất sức lao động cho xã hội.
Người lao động tái sản xuất sức lao động của mình thông qua các tư liệu sinh hoạt
nhận được từ khoản tiền lương của họ. Để tái sản xuất sức lao động, tiền lương
phải đảm bảo tiêu dùng cá nhân người lao động và gia đình họ. Do đó cần phải đảm
bảo được mức lương tối thiểu để người lao động có thể nuôi sống họ và gia đình
họ, mức lương tối thiểu chính là nền tảng cho chính sách tiền lương của các tổ
chức và doanh nghiệp, là cơ sở đảm bảo lợi ích cho người lao động, cũng như bù
đắp sức lao động.
Về phương diện kinh tế, tiền lương là một đòn bẩy
kinh tế có tác dụng kích thích lợi ích vật chất đối với người lao động làm cho
họ vì lợi ích vật chất của bản thân và gia đình mình mà lao động một cách tích
cực và nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả lao động, cũng như gắn bó chặt
chẽ hơn nữa với doanh nghiệp.
Như vậy có thể nói, vai trò của tiền lương trong
doanh nghiệp rất quan trọng trong việc khuyến khích người lao động làm việc có
hiệu quả nhất, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, khi lợi ích của người
lao động được đảm bảo bằng các mức lương thỏa đáng, nó sẽ tạo ra sự gắn kết giữa
người sử dụng lao động và người lao động, tạo cho người lao động có trách nhiệm
hơn trong công việc, cũng như tự giác trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp, tạo nên phản ứng dây chuyền tích cực của tiền lương.
Nguyên tắc cơ bản trả lương trong doanh nghiệp,
đó là phải xây dựng được chế độ tiền lương mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất,
phải theo quy luật phân phối lao động, cần đảm bảo năng suất lao động không ngừng
tăng, đơn giản, dễ hiểu và rõ ràng. Bên cạnh đó, trong hoạt động sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp muốn hạ giá thành sản phẩm, hay dịch vụ
thì doanh nghiệp cần phải tăng năng suất lao động nhanh hơn tốc độ tăng tiền
lương bình quân của người lao động, có như vậy mới không gặp khó khăn trong hoạt
động sản xuất kinh doanh và qua đó mới có điều kiện nâng cao đời sống của người
lao động.
Việc xây dựng và quản lý tiền công và tiền
lương, là vấn đề khá phức tạp đối với tất cả các doanh nghiệp, vì vậy đòi hỏi cấp
quản trị của công ty cần phải nghiên cứu đầy đủ các yếu tố liên quan: Luật lao
động, thị trường lao động, giá cả sinh hoạt, vị trí địa lý…, có như vậy mới tạo
nên sự hài hòa về lợi ích của tất cả các thành phần lao động bên trong nội bộ
doanh nghiệp, cũng như tạo sự hăng say, đoàn kết và nhiệt tình của người lao động,
và người lao động có quyền tự hào với mức lương được hưởng. Vì vậy, nếu công
tác tổ chức tiền lương trong doanh nghiệp thiếu tính công bằng và hợp lý, sẽ nảy
sinh những hệ quả không mong muốn, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, do đó
cấp quản trị và cấp lãnh đạo doanh nghiệp cần phải cẩn trọng và quan tâm theo
dõi đầy đủ công tác tiền lương, cần có các điều chỉnh hợp lý và thỏa đáng trong
việc phân phối tiền lương.
Tóm lại, Tiền lương đóng vai trò đặc biệt vô
cùng quan trọng, quyết định việc ổn định và phát triển của doanh nghiệp, cũng
như tạo sự an tâm của người lao động, nếu tiền lương không đủ trang trãi cuộc sống
và gia đình, mức sống người lao động giảm sút, thì buộc người lao động phải làm
thêm việc ngoài và như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả làm việc tại doanh nghiệp.
Ngược lại, khi tiền lương được chi trả cho người lao động lớn hơn hoặc bằng mức
lương tối thiểu, sẽ kích thích sự hăng say của người lao động, phấn khởi làm việc,
dồn hết khả năng và sức lực của mình cho công việc vì lợi ích chung của doanh
nghiệp, cũng như lợi ích riêng của bản thân người lao động và gia đình họ.
Hải Triều.
KHUYẾN MÃI LỚN HOT HOT HOT
No comments:
Post a Comment